P1 – Lập Kế Hoạch Xây Nhà

“An cư lạc nghiệp” là chân lý muôn đời. Từ xưa đến nay việc xây nhà luôn là công việc quan trọng không kém chuyện “kiếm miếng cơm”. Bởi nhà ở không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn là chốn đi về của chúng ta và thế hệ con cháu. Xây nhà dựng cửa chắc chắn, vững chãi vì thế mà trở thành niềm mong ước của tất thảy.

Nhưng không phải ai cũng biết lập một kế hoạch tối ưu để cân bằng mọi yếu tố trước khi bắt đầu và trong quá trình xây dựng. Chính vì vậy, cẩm nang xây nhà dưới đây sẽ gợi ý lộ trình, kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ giúp bạn nắm vững trước, trong và sau khi xây nhà cần phải chuẩn bị những gì, chuẩn bị như thế nào.

Trước hết, việc cần thiết đầu tiên chính là lập kế hoạch xây nhà.

1. XÁC ĐỊNH NHU CẦU VÀ CÔNG NĂNG SỬ DỤNG TRƯỚC KHI LẬP KẾ HOẠCH XÂY NHÀ

Đây là một trong những bước quan trọng nhất nhưng mọi người thường hay bỏ qua hoặc xem nhẹ. Nhưng bước này sẽ là nền tảng để các bước tiếp theo được thực hiện.

Nhu cầu xây nhà của mỗi người là khác nhau và cũng từng thời điểm mà chính người xây nhà sẽ có nhu cầu sửa chữa hoặc xây mới cho phù hợp. Chính vì vậy bạn cần phải nghiên cứu, suy nghĩ kĩ và xác định chính xác mục tiêu sử dụng của ngôi nhà mà mình sắp xây là gì, nó được dùng để ở, để vừa sinh sống vừa kinh doanh, để buôn bán hay cho thuê trọ, hoặc chỉ là nơi để nghỉ dưỡng khi đến tuổi hưu hoặc cuối tuần nghỉ làm muốn tìm nơi yên bình. Bên cạnh đó cũng phải xem xét vấn đề là tiến hành xây nhà để sửa chữa, nâng cấp vì nhà đã cũ kĩ hay muốn có không gian sống thoải mái, mới mẻ cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra bạn cũng cần phải nghĩ đến những thay đổi trong tương lai mà cần đến sự thi công nhà như con lớn lên cần phòng riêng hoặc gia đình có thêm thành viên mới là con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại,…

Xác định nhu cầu và công năng sử dụng

Sau khi đã suy nghĩ về mục đích xây nhà, bạn nên cân nhắc về các nhu cầu cơ bản của một ngôi nhà như diện tích xây dựng, số lượng phòng ốc, vị trí của mỗi phòng, các tiện ích thêm như gara, sân vườn, hồ bơi, sân thượng,…để phù hợp với diện tích đất, quy mô gia đình, vị trí tọa lạc,…

Vì cùng chung sống dưới một mái nhà nên các thành viên trong gia đình cũng sẽ có những mong muốn về không gian sống sao cho cảm thấy thoải mái nhất. Vì vậy, các vấn đề trên cần đưa ra bàn luận chung với mọi người sao cho các ý kiến được cân bằng nhất ý, để đảm bảo ngôi nhà trong tương lai sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cũng như tiện ích cho tất cả các thành viên.

2. LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH XÂY NHÀ

Trước khi xây nhà chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ về tài chính khi thi công. Ngoài những gia đình đã đủ nguồn lực tài chính thì với đa số chúng ta, đây sẽ là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí ban đầu có thêm nhiều phát sinh. Lúc đó để có đủ tài chính tiếp tục hoàn thiện căn nhà, bạn phải bù đắp thêm một lượng tiền nữa. Do đó bạn sẽ phải đối mặt các vấn đề khác như vay và trả lãi vay cho ngân hàng theo định kỳ, cũng có thể là bạn sẽ phải thâm dụng vào quỹ tiền tiết kiệm của mình, đến khi hoàn thành ngôi nhà thì tiền dành cho các việc chi tiêu khác không còn,… Chính vì vậy mà bạn cần xây dựng một kế hoạch tài chính tương đối chính xác để giảm thiểu chi phí phát sinh ít nhất có thể.

Lập kế hoạch tài chính xây nhà

2.1. Các khoản mục chi phí xây nhà

Để xây một căn nhà hoàn thiện, cần chuẩn bị rất nhiều công đoạn. Cũng chính vì thế mà chi phí bỏ ra cho các công đoạn đó cũng rất nhiều. Sau đây là những chi phí có liên quan trực tiếp và gián tiếp cho việc xây nhà:

a. Chi phí tháo dỡ nhà cũ (nếu có)

Đối với trường hợp xây nhà mới thì không cần quan tâm đến chi phí này nhưng nếu đó là nhà bạn mua cũ thì không thể không tính đến. Nhất là đối với những ngôi nhà quá cũ, không thể cải tạo lại thì phương án dỡ bỏ là phương án tối ưu. Chính vì thế mà bạn sẽ phải tốn thêm công sức, thời gian và tiền bạc để phá dỡ nhà cũ. Đa số chúng ta thường bỏ qua chi phí này nên việc tăng tiền cho xây nhà là thường xuyên gặp.

Tuy nhiên cũng có vài trường hợp khi bạn phá dỡ nhà sẽ có thêm một khoản thu nho nhỏ. Đó là một số đồ cũ trong nhà bạn vẫn còn giá trị sử dụng (cửa đi, sổ, thép phế liệu, tole, bàn ghế,…) sẽ được các công ty, các xưởng thu mua đồ cũ mua lại để sửa chữa và tái sử dụng.

b. Chi phí gia cố móng (nếu có)

Phần móng là một bộ phận rất quan trọng của căn nhà vì nó chịu toàn bộ sức nặng và chống đỡ cho toàn căn nhà. Chi phí này chỉ có thêm khi nhà của bạn được xây dựng trên nền đất yếu. Nếu phần móng của bạn làm đơn giản như móng băng một thì chi phí được tính toán một cách đơn giản là lấy 50% x diện tích tầng một x đơn giá phần thô. Tuy nhiên, đối với móng cọc thì ta còn phải tính thêm số lượng và chiều dài cọc bên cạnh chi phí cho nhân công ép cọc nếu bạn sử dụng móng cọc ép tải. Do đó, chii phí gia cố móng có thể dao động từ vài chục triệu hoặc thậm chí đến hàng trăm triệu đồng tuỳ thuộc vào quy mô công trình và phương án kỹ thuật sử dụng.

c. Chi phí xin cấp phép xây dựng, làm hoàn công

Nếu bản thân hiểu và nắm rõ quy trình xin giấy phép xây dựng thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu bạn không rõ về cách làm hoặc không có đủ thời gian để tự đi làm thủ tục, hoàn công công trình thì bạn nên thuê một đơn vị, cá nhân thực hiện. Với lại họ thường có chuyên môn và kinh nghiệm hơn nên thủ tục sẽ “đơn giản” và tiết kiệm thời gian hơn.

d. Chi phí xây dựng bao gồm 2 loại:

  • Chi phí xây dựng cơ bản (xây thô, đổ sàn và sơn nước):  được tính dựa vào số m2 xây dựng. Kham khảo mức chi phí trên m2 của cùng loại nhà gần thời điểm xây nhất. Nên trao đổi và khảo giá các công ty xây dựng.
  • Chi phí trang trí nội thất (hoàn thiện và trang trí sàn, trần, tường, thiết bị vệ sinh, đồ nội thất, thiết bị gia dụng…) có thể trang bị từ từ sau khi ngôi nhà hoàn thành. Mức trang bị tùy vào tiềm lực tài chính của bạn.

Lập kế hoạch cẩn thận để không ảnh hưởng đến tình trạng chi tiêu hiện tại của gia đình. Nên dự trù chi phí phát sinh thêm từ 10-30% để kịp xoay sở những khi cần thiết như:

  1. Nguồn tiền xây nhà có thể lấy từ số tiền tích lũy được của hai vợ chồng, sự hỗ trợ từ ba mẹ hai phía.
  2. Vay mượn thêm từ anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết hay đồng nghiệp.
  3. Vay từ ngân hàng để làm chi phí xây dựng.

2.2. Khảo sát đơn giá xây nhà

Hiện nay cách tính đơn giản và nhanh nhất cho chủ nhà để có cái nhiều tổng thể về mặt chi phí của căn nhà là tính chi phí xây nhà/ m2 xây dựng. Lưu ý là bạn phải tính phần diện tích của tất cả phòng ốc trong nhà, bao gồm các tầng lầu (nếu có) và thậm chí là mái hiên, sân thượng theo phần trăm diện tích. Đây là cách mà đại đa số chủ nhà áp dụng. Thậm chí nhiều công ty xây dựng đăng giá cả thi công lên website của mình để khách hàng tiện tham khảo trước khi liên hệ.

Bên cạnh việc chỉ quan tâm đến giá xây nhà thì bạn cũng phải quan tâm đến việc nhà mình làm từ vật liệu gì, làm như thế nào, làm nhà cho thuê, hay nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ở rộng lớn, nhà ở khu vực nào, địa chất có tốt không?,…bời vì có hàng trăm chủng loại vật tư và hàng ngàn chi tiết nhỏ cấu thành nên một ngôi nhà nên giá xây nhà có thay đổi theo mục đích, quy mô và loại hình xây nhà.

Hiện nay giá xây dựng phần thô áp dụng cho nhà phố và nhà biệt thự tại TP. HCM là : 2.800.000đ > 3.500.0000đ/m2 xây dựng (tùy theo yêu cầu & quy mô công trình).

Chi phí xây nhà trọn gói đối với nhà phố và nhà biệt thự giao động rất nhiều .Từ 4.500.000đ – 7.000.000đ/m2 (tùy quy mô công trình và chủng loại vật tư theo yêu cầu).

2.3. Ước tính chi phí thi công xây dựng

Chính vì đây là bước kiến tạo nên ngôi nhà của bạn đạt đến mức hoàn thiện nhất nên chi phí cho phần này cũng rất nhiều và phải tính toán kỹ. Chi phí loại này gồm:

– Chi phí tư vấn thiết kế (để có được bản vẽ kỹ thuật thi công)

– Chi phí thi công xây dựng

– Chi phí giám sát (hoặc chủ nhà tự giám sát).

Cách tính phổ biến hiện nay là mọi người thường lấy m2 sàn xây dựng nhân với đơn giá 1m2, cách tính này chỉ tương đối, cách tính chính xác nhất là bạn nên yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế lập đơn giá theo dự toán chi tiết các hạng mục.

2.4. Ước tính chi phí mua sắm các thiết bị hoàn thiện cho căn nhà

Chi phí mua sắm các thiết bị hoàn thiện cho căn nhà thường là chi phí trang trí nội thất hoặc đồ gia dụng gia đình như thiết bị nhà tắm, bếp ga, bếp điện, máy lạnh, bàn ghế sofa, đèn trang trí, rèm cửa, gạch ốp lát, sàn gỗ,… Bạn nên tách riêng cho phí này vì đây là phần dời và hoàn toàn có thể được trang bị sau khi ngôi nhà hoàn thành. Thời gian trang bị thêm những đồ này không phụ thuộc vào thời gian xây nhà mà là phụ thuộc vào ý thích của bạn về không gian nội thất được bài trí như thế nào. Tuy nhiên, chi phí hoàn thiện này có giá thông thường khoảng 2 triệu/m2 ~ 5triệu/m2 xây dựng.

2.5. Ước tính chi phí phát sinh

Thực tế bản kế hoạch chi tiết đến thế nào thì khi xây nhà luôn có chi phí phát sinh. Vì vậy mức dự trù chi phí phát sinh hợp lý nhất, vừa giải quyết được những vấn đề nằm ngoài kế hoạch, vừa giữ được nguồn lực tài chính là khoảng 10- 30% số tiền. Với khoản dự phòng đó bạn có thể yên tâm hơn khi trao đổi nhu cầu của mình với kiến trúc sư và nhà thầu thi công.

3. PHONG THỦY TRƯỚC KHI XÂY NHÀ

Phong thủy trước khi xây nhà

Phong thủy là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm để ngôi nhà được bình yên, may mắn và mọi người hạnh phúc, vui vẻ. Chuẩn bị trước những kiến thức phong thủy sẽ giúp bạn tránh trường hợp phải phá đi xây dựng lại. Công việc cần xem xét phong thủy bao gồm sắp xếp vị trí các phòng, cổng, cửa và hướng nhà, hướng bếp, hướng ban thờ, phòng ngủ, đường nước vào và ra đúng với nguyên tắc phong thủy. Thiết kế phong thủy trước cũng là việc lựa chọn được các số đo đẹp cho cửa cổng, cửa chính, cửa phụ, cửa sổ, ban thờ theo cung tốt của thước Lỗ Ban, sao cho lấy được các số đẹp mang lại gặp dịp tốt.

Ngoài ra bạn cũng cần xem ngày giờ động thổ và xem tuổi của người đứng ra làm nhà có hợp phong thủy hay không. Trong trường hợp bắt buộc phải tiến hành xây dựng khi chủ nhà không được tuổi thì có thể mượn tuổi người khác cho phù hợp. Tuy nhiên việc mượn tuổi để xây nhà là một biện pháp thiên nhiều về tâm lý, cho nên mọi chuyện tốt xấu vẫn có thể sẽ xảy ra với chủ nhà chứ không phải vì mượn tuổi mà xảy ra với người kia.

Ngoài ra, cũng cần xem xét thời gian khi khởi công. Nếu chọn được ngày, giờ đẹp thì những tác động xấu đến ngôi nhà có thể giảm đi nhiều. Chủ nhà cũng có thể nhờ một người nào đó trong gia đình hay bạn bè (có tuổi không phạm vào kỵ năm nay thay mặt trong lúc quan trọng như đổ móng, đổ trần…) nhưng tốt nhất vẫn nên mời một thầy phòng thủy về làm. Sau khi đã lựa chọn được ngày giờ khởi công hợp lý, cần tiến hành tổ chức lễ động thổ.

Rõ ràng, trước khi liên hệ với đơn vị thiết kế nhà thì bất kỳ gia chủ nào cũng cần lập kế hoạch xây nhà cụ thể, tỉ mỉ. Chỉ cần thiếu đi một bước thôi cũng đủ khiến gia chủ khó xoay sở nếu rắc rối trong quá trình tiến hành xây nhà nảy sinh. Bằng việc cẩn trọng lập kế hoạch xây nhà đẹp đáp ứng yêu cầu công năng, nhu cầu sử dụng hoàn toàn trong tầm tay và túi tiền của mỗi gia đình.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.